Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Vấn Đề Về Sắc Tố Da :Nám,tàn nhang, thâm mụn

A. Nguyên nhân của sự xuất hiện những vết nâu đen (tàn nhang, nám, thâm mụn) và làn da sạm màu
“Chứng tăng sắc tố da” (Hyper-pigmentation)
Tế bào tạo sắc tố da (melanocyte) giải phóng ra các hạt sắc tố (melanosome), các hạt sắc tố này chứa men tyrosinase – là enzyme sắc tố khởi động quá trình sản xuất và tổng hợp sắc tố da (melanin).
Melanin là sắc tố tạo màu sắc tự nhiên cho da, tóc và mắt của con người, đồng thời cũng tạo ra các dạng nhiễm sắc tố như: nám má, nốt tàn nhang, vết thâm, sạm...
Chứng tăng sắc tố là do cơ thể sản sinh quá nhiều melanin trên những mảng da nhất định, các melanin tập trung quá mức sẽ làm vùng da đó trở nên sậm màu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sản sinh dư thừa melanin.
​1 – Ánh nắng mặt trời
Khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng, da sản xuất nhiều melanin hơn để chống lại các tia UV, đây là cơ chế tự bảo vệ của da, làm cho da bạn đen đi và trở nên rám nắng. Việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời gay gắt có thể gây rối loạn quá trình này, dẫn đến chứng tăng sắc tố da.
​2 – Thay đổi hormone (Rối loạn nội tiết tố)
- Do mang thai: Nám da khi mang thai, còn gọi là “mặt nạ thai kỳ”, là triệu chứng lành tính và thường gặp ở phụ nữ mang thai do thay đổi nội tiết tố.
- Do sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay đổi hormone.
3 – Rối loạn chuyển hóa
- Gan thận kém, rối loạn tiêu hóa, thiếu hụt vitamin trong cơ thể
- Tác dụng phụ của việc điều trị bằng hóa trị, kháng sinh, thuốc trị sốt rét, thuốc chống co giật và một vài dược phẩm khác.
4 – Tuổi tác, lão hóa
Ở những phụ nữ tuổi mãn kinh hoặc tiền mãn kinh, sự suy giảm nhanh chóng của hormone Estrogen sẽ làm cho sức đàn hồi và sức khỏe của da cũng kém đi. Cần bổ sung Estrogen vào cơ thể trong gia đoạn này.
5 – Máu (Yếu tố di truyền)
- Những phụ nữ bị tàn nhang sớm, nếu sinh con gái, thì con gái cũng có nguy cơ bị tàn nhang do sự di truyền từ mẹ.
- Người có gen da trắng tóc nhạt màu cũng có khả năng cao bị tàn nhang ngay từ khi còn nhỏ.
6 – Sử dụng mỹ phẩm độc hại:
Dùng mỹ phẩm không đúng cách, hoặc mỹ phẩm có chứa nhiều chất corticoid (kem trộn) sẽ phá hủy cấu trúc tế bào da, làm cho làn da trở nên mỏng, yếu, sức đề kháng của da kém đi.
Các loại hóa chất từ thuốc nhuộm, mực henna, mực xăm hình… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bội tăng sắc tố da.
7 – Tổn thương da hay viêm nhiễm
Da bị tổn thương, sưng viêm do đứt tay, phỏng, viêm da, mụn nhọt... khi vết thương đã lành lại thì làn da chỗ đó cũng sẽ bị đổi màu, hình thành nên các vết thâm sạm hoặc sẹo thâm, gọi là chứng rối loạn sắc tố sau viêm.
B. Phân loại các vấn đề của chứng tăng sắc tố da
1. Nám (Melasma)
- Nhận biết:
·         Nám là những mảng có màu nâu, xám hay đen, có tính đối xứng trên mặt.
·         Thường xuất hiện ở vùng da trên má hoặc dọc theo đường viền xương hàm dưới, môi, mũi, trán, cẳng tay và những khu vực thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Nguyên nhân: cơ thể bị thay đổi hormone:
·         phụ nữ mang thai
·         uống thuốc tránh thai
·         sử dụng liệu pháp thay đổi hormone (HRT)
·         lão hóa hoặc rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh
Người có làn da sẫm màu (Chấu Á, Phi, Mỹ La Tinh) thường dễ bị nám hơn so với người có làn da trắng sáng. Nám càng bị sâu (xuống phần trung bì) thì càng khó chữa khỏi.
2. Nốt tàn nhang (Ephilides & Solar Lentigos)
- Nhận biết:
·         Có dạng chấm nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục, kích thước khoảng 1-2mm, nhiều màu sắc khác nhau như từ vàng sậm đến nâu đen
·         Thường xuất hiện trên mặt, lưng, cổ ở vị trí không đối xứng
- Nguyên nhân: di truyền (Ephilides) và ánh nắng mặt trời (Solar Lentigos)

3. Thâm mụn, sẹo thâm (PIH)
- Nhận biết: các đốm dẹt màu đậm (nâu, đen, đỏ, hồng…), có thể hơi gồ ghề (lồi lên hoặc lõm xuống) xuất hiện trên những vết thương vừa mới lành, gọi là chứng rối loạn sắc tố da sau viêm (PIH)
- Nguyên nhân: vùng da bị tổn thương sâu kích thích tăng sắc tố dưới da
·         Da bị viêm (mụn, viêm da cơ địa, vảy nến…) tạo thành vết thâm
·         Da bị tổn thương (ngã xe, trầy xước, những vết cắt, rạch,…) tạo thành sẹo thâm.
PIH dễ khắc phục hơn hẳn so với nám hay tàn nhang, tốc độ mờ thâm nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào cơ địa, loại da và chế độ chăm sóc da của từng người.


----------------
Tóm lại, có 3 loại tăng sắc tố da thường gặp là:
·         Nám: thường gặp ở phụ nữ, do rối loạn nội tiết hoặc thay đổi hormone.
·         Tàn nhang (đồi mồi): do ánh nắng hoặc di truyền.
·         Vết thâm (PIH): do chấn thương, viêm nhiễm.
Bạn cần xác định rõ loại tăng sắc tố da mà mình đang gặp phải để có chọn phương pháp điều trị thích hợp.
C. Giải pháp điều trị chứng tăng sắc tố da
1. Điều trị nguyên nhân
·         Sử dụng kem chống nắng phổ rộng (chóng được cả UVA và UVB) hàng ngày
·         Tránh xa các hóa chất độc hại, không sử dụng mỹ phẩm không rõ thành phần và nguồn gốc
·         Hạn chế dùng thuốc có tác dụng phụ là gây tăng sắc tố, chỉ nên dùng với liều lượng vừa phải trong thời gian nhất định để chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
·         Nếu có bệnh cần kịp thời chữa trị, bổ sung thêm chất dinh dưỡng qua thức ăn hoặc thực phẩm chức năng, đặc biệt là các loại vitamin như PP (B3), A, E hay L-Cystine...
·         Mẹ bầu nên hạn chế các loại thực phẩm làm tăng estrogen như đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành, tỏi, hạt mè… Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin B6, vitamin C, magie và chất xơ.
·         Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh - mãn kinh nên bổ sung nội tiết tố bằng các loại thảo dược nguồn gốc từ tự nhiên có chứa estrogen thực vật như: tinh chất mầm đậu nành, dầu hoa anh thảo…
·         Người có gen bị nám, tàn nhang nên hạn chế tắm nắng, bắt buộc sử dụng kem chống nắng cho mặt và toàn thân, lối sống lành mạnh và có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc da hợp lý.
2. Điều trị triệu chứng
Có 2 phương pháp được các bác sĩ da liễu khuyên dùng:
·         loại bỏ vùng da bị đổi màu (tác động mạnh mẽ, nhanh chóng)
·         điều chỉnh để giảm dần các dấu hiệu (chậm rãi, an toàn)
a. Phương pháp Loại bỏ
Thường được áp dụng ở các phòng khám da liễu hoặc thẩm mỹ viện, nơi có máy móc hiện đại và đội ngũ chuyên gia/y bác sĩ da liễu có kinh nghiệm.
Phương pháp 1: Lột da hóa chất (Chemical peel)
·         Cơ chế: sử dụng chất có tính axit lên da để gây bong tróc, loại bỏ lớp da bề mặt, để lộ ra một lớp da mới và có sắc tố cân bằng bên dưới.
Các loại axit được sử dụng phổ biến để làm mặt nạ lột da hóa chất là Salicylic Acid, Glycolic Acid, Lactic Acid, Trichloroacetic Acid… nồng độ cao.
·         Ưu điểm: tẩy tế bào chết, chống lão hóa, xóa bỏ các nếp nhăn, thu nhỏ lỗ chân lông, điều trị mụn trứng cá và loại bỏ các nốt sắc tố trên bề mặt da.
·         Nhược điểm: khiến da mỏng đi và nhạy cảm hơn, nhiều người có biểu hiện bỏng rát sau khi lột.


Phương pháp 2: Điều trị bằng Ánh sáng có cường độ lớn (IPL)
·         Cơ chế: sử dụng IPL (Intense Pulse Light) - dòng ánh sáng đa sắc năng lượng cao, xuyên sâu vào da, đập vỡ và phá hủy sắc tố melamin, sau đó loại ra khỏi cơ thể qua quá trình trao đổi chất.
Nhiều bác sĩ da liễu cho rằng IPL không phải phương pháp tốt nhất để điều trị chứng tăng sắc tố mà phổ biến trong việc tăng sinh collagen trẻ hóa da và triệt lông vĩnh viễn hơn.
·         Ưu điểm: khá an toàn khi điều trị, ít tác dụng phụ. Nếu có tác dụng phụ thường sẽ tự hết trong vòng 2-48 tiếng. Loại bỏ được các vết sắc tố nông ở biểu bì và có tác dụng trẻ hóa da tổng thể.
·         Nhược điểm: không loại trừ được nám sâu và các loại bớt (Hori, Ota).
Phương pháp 3: Liệu pháp laser
·         Cơ chế: sử dụng tia laser (ánh sáng đơn sắc), đi xuyên qua da và chỉ tác động vào sắc tố có màu phù hợp với bước sóng của tia (đen, xanh đen, đỏ…) mà không tác động vào da (màu vàng), loại bỏ những mạch máu, vết đen trên da nhanh chóng.
Có rất nhiều công nghệ laser như Fraxel, ND YAG, Yellow, FFP… Mỗi công nghệ lại có những điểm mạnh riêng, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia để chọn loại phù hợp.
·         Ưu điểm: loại trừ được các vùng da sạm màu, tàn nhang, nám từ nông đến sâu, xóa được cả bớt và vết xăm, và có thể điều trị giãn mạch máu.
·         Nhược điểm: chỉ tác động tới vùng da chứa sắc tố, phá vỡ cấu trúc của chúng mà không hề tác động tới các vùng da xung quanh nên không cải thiện da toàn cục như Chemical Peel hay IPL.




b. Phương pháp Điều Chỉnh
Sử dụng các đơn thuốc của bác sĩ hoặc các loại thuốc/ mỹ phẩm mua không cần kê đơn để sử dụng trong thời gian dài. Điều chỉnh sắc tố da bằng cách can thiệp vào lượng melanin thông qua 2 cơ chế chính:
- Cơ chế 1: ngăn ngừa sự tạo thành melanin bằng cách ức chế men tyrosinase.
- Cơ chế 2: ngăn ngừa sự vận chuyển melanin từ tế bào tạo sắc tố da sang tế bào sừng.
Các loại thuốc và mỹ phẩm điều trị chứng tăng sắc tố da thường chứa một hay nhiều thành phần có thể thực hiện 1 trong 2 cơ chế trên, phổ biến nhất nhất là những chất sau
·         Hydroquinone 2-4% (Rx) là 1 hoạt chất làm trắng da mạnh mẽ do có thể ức chế enzyme tyrosinase nhằm ngăn ngừa sự hình thành melanin.
·         Arbutin: được chiết xuất từ quả Bearberry, an toàn và hiếm khi gây ra tác dụng phụ hơn Hydroquinon. Sử dụng Arbutin với nồng độ 1% trở lên sẽ cho thấy kết quả làm sáng da rõ rệt và sẽ tốt hơn nếu được kết hợp cùng với Kojic Acid.
·         Kojic Acid: một hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ nấm và quá trình lên men rượu gạo hay rượu sake. Đây cũng là một chất có khả năng ức chế tyrosinase, phòng ngừa sự hình thành melanin.
·         Licorice root extract: là chiết xuất rễ cam thảo tự nhiên, chứa hợp chất glabridin có khả năng ức chế tyrosinase.
·         AHA (Glycolic Acid, Lactic Acid, Mandelic acid, Tartaric Acid…): một chất tẩy da chết hóa học trên bề mặt da, giúp loại bỏ tế bào cũ, kích thích sản xuất tế bào mới.
·         Retinoids (Dẫn xuất của vitamin A): bao gồm các chất điển hình Retinyl Pamitate, Retinol, Retinal, Tretinoin, Isotretinoin… có tác dụng đẩy nhanh vòng đời tế bào để nhanh chóng sản sinh tế bào mới tái tạo da và loại bỏ tế bào da cũ xỉn màu. Không nên dùng nếu đang mang thai hoặc cho con bú.
·         Vitamin C và các dẫn xuất của vitamin C: trong điều chế mỹ phẩm, các dạng vitamin C hay được sử dụng nhất là L-AA (L-Ascorbic Acid), SAP (Sodium Ascorbic Acid), MAP (Magnesium Ascorbic Acid), AA2G (Ascorbic Acid 2-Glucoside), ATIP (Ascorbyl Tetra-isopalmitoyl)…. là 1 trong những sự lựa chọn hoàn hảo nhằm làm sáng da cũng như điều trị gia tăng sắc tố.
·         Niacinamide (dẫn xuất của vitamin B3): được coi là thành phần cực kỳ đa năng, lành tính và luôn phát huy tốt khả năng trong mọi trường hợp: sáng da, trị thâm nám, trị mụn, chống lão hóa…
·         Azelaic Acid cho thấy tác động gián tiếp và làm giảm chứng tăng sắc tố da. Tuy nhiên nó hầu như không có tác dụng đối với nốt ruồi, các vết cháy nắng và nốt đồi mồi do lão hóa.
·         Viniferine (chất độc quyền của hãng mỹ phẩm Caudalie- Pháp): được chứng minh là hiệu quả hơn 62 lần so với vitamin C, 4 lần so với Kojic Acid và 13 lần so với Arbutin trong việc làm cho làn da rạng rỡ và chống các đốm nâu.
3. Nên dùng phương pháp nào?
Không thể nói phương pháp nào tốt hơn, bạn tùy vào tình hình tài chính và tình trạng da của mình đê chọn phương pháp phù hợp.
Phương pháp loại bỏ
Phương pháp điều chỉnh
Ưu điểm
​có tác dụng nhanh chóng, chỉ sau liệu trình vài buổi sẽ có 1 làn da mới đều màu.
- An toàn, ít rủi ro cho làn da
- Phải chi tiền nhiều lần để mua sản phẩm, nhưng số tiền bỏ ra mỗi lần không quá cao.
Nhược điểm
- đắt tiền
- rủi ro cao, có khả năng gây 1 số tác dụng phụ như viêm da, đau rát, bỏng rộp. Sau điều trị da sẽ trở nên rất nhạy cảm.
- Tác dụng chậm.
Cần phải kiên trì trong vài tháng đến vài năm, và nên tiếp tục duy trì nó để đảm các đốm nâu không tái phát.
Nên sử dụng nếu
- Làn da không qua mỏng & yếu.
- Tình trạng tăng sắc tố khá nặng và kéo dài lâu rồi nhưng chưa có dấu hiệu giảm.
- Có khả năng chi trả liền lúc từ 10 đến vài chục triệu cho 1 liệu trình.
- Đảm bảo sẽ bôi kem chống nắng cũng như sử dụng các biện pháp bảo vệ da cần thận sau khi trị liệu
- Da yếu, mỏng, nhạy cảm, dễ rát đỏ.
- Mới chỉ bị tăng sắc tố ở biểu bì, hoặc các nốt sắc tố mới xuất hiện chưa lâu.
- Không muốn chi trả quá nhiều tiền 1 lúc để điều trị, hoặc nơi bạn ở không có spa hay clinic uy tín với bác sĩ/ chuyên gia tay nghề cao.
- Vẫn phải dùng biện pháp chống nắng.
Nếu kết quả soi khám da cho thấy bạn bị tăng sắc tố ở sâu vùng trung bì hoặc cả biểu bì và trung bì thì phải kết hợp cả phương pháp loại bỏ (bằng laser) + phương pháp điều chỉnh (sử dụng thuốc và mỹ phẩm chống tăng sắc tố) + điều trị nguyên nhân trong thời gian tối thiểu 24 tuần (khoảng 6 tháng) mới có thể cho kết quả.
Kết Luận
Để cải thiện tình trạng tăng sắc tố da, cần phải kết hợp điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng, bao gồm:​
·         Dùng kem chống nắng hàng ngày
·         Sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng và điều hòa nội tiết tố
·         Lối sống lành manh, tránh xa các hóa chất độc hại
·         Cẩn thận trong việc chọn mua mỹ phẩm để tránh làm nhiễm nhiễm và tổn thương da
·         Loại bỏ các đốm nâu trong thời gian ngắn bằng các phương pháp trị liệu chuyên sâu (Chemical Peel, Laser, Ánh sáng IPL…)
·         Điều chỉnh giảm dần số lượng các đốm nâu trong thời gian dài tại nhà bằng thuốc và mỹ phẩm)


1 nhận xét:

  1. nám, tàn nhang, sách tố da, mụn đều là vấn đề có thể giải quyết được , nhưng phải kiên trì và sử dụng các sản phẩm đặc trị, bạn có thể tham khảo serum chống lão hóa để có làn da tươi trẻ hơn

    Trả lờiXóa